Hà Nam: Thu hút đầu tư từ nguồn lao động chất lượng cao

26Tháng 3 2024
Chia sẻ ngay:
Xác định chất lượng nguồn lao động sẽ là điểm sáng trong thu hút đầu tư, ngành LĐTBXH tỉnh Hà Nam đã chỉ đạo phát triển đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm tăng sức cạnh tranh.

Đào tạo lao động đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp 

Ông Nguyễn Văn Hảo - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nam cho biết, trong những năm qua, chất lượng giáo dục nghề nghiệp, chất lượng lao động trên địa bàn tỉnh Hà Nam ngày càng được khẳng định và nâng cao, đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao cung cấp lao động cho các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp ngành nghề công nghiệp chủ lực, doanh nghiệp công nghệ cao của Hà Nam và trên cả nước.

Hiện nay, Hà Nam có 19 cơ sở GDNN, gồm: 05 trường cao đẳng, 05 trường trung cấp, 05 trung tâm GDNN - giáo dục thường xuyên, 04 cơ sở khác có hoạt động GDNN. 

Năm học 2022 – 2023, trường Cao đẳng nghề Hà Nam có trên 1.000 học sinh, sinh viên thuộc các hệ cao đẳng, trung cấp và sơ cấp, trong đó số học sinh lớp 10 là 600 em 

Theo đó, chất lượng đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm của Hà Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực với nhiều mô hình gắn kết hiệu quả, bền vững. Các hình thức hợp tác chủ yếu là: Xây dựng chương trình đào tạo; nơi thực tập sản xuất cho học sinh, sinh viên, nhà giáo; tham gia vào quá trình giảng dạy; cấp học bổng cho học sinh, sinh viên; hỗ trợ trang thiết bị cho các cơ sở đào tạo và tuyển dụng học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp hoặc các thỏa thuận hợp tác khác,...

Ông Nguyễn Văn Hảo khẳng định, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) của Hà Nam đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ; nỗ lực nâng cao chất lượng đào tạo theo hướng sát với yêu cầu thực tế của doanh nghiệp.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 156 doanh nghiệp hợp tác với các cơ sở GDNN, trên 95% người học sau khi tốt nghiệp được các doanh nghiệp tuyển dụng ngay vào làm các công việc phù hợp với ngành, nghề đào tạo với mức thu nhập từ 6 đến 10 triệu đồng/người/tháng.

Tỉnh cũng đã xây dựng và cập nhật dữ liệu mở về lao động có kỹ năng nghề theo từng lĩnh vực, ngành nghề, trình độ đào tạo phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, nhất là những ngành nghề, kỹ năng mới như: Điện, điện tử, cơ khí chế tạo, công nghiệp phụ trợ, dịch vụ, nông nghiệp công nghệ cao,... Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong kết nối cung - cầu để nâng cao hiệu quả đào tạo và sử dụng lao động.

Đẩy mạnh các giải pháp phát triển nhân lực

Theo ông Nguyễn Văn Hảo, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hà Nam, giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh sẽ tiếp tục đổi mới, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về số lượng tuyển sinh, chất lượng đào tạo và hiệu quả GDNN. Tăng cường đào tạo theo hướng ứng dụng thực hành, đào tạo nhân lực trực tiếp cho sản xuất, kinh doanh, góp phần nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh quốc gia và đảm bảo an sinh xã hội.

“Sở LĐ- TB&XH Hà Nam đã thường xuyên tổ chức các chương trình gắn kết GDNN với thị trường lao động nhằm thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp, người học và xã hội về GDNN; Tư vấn, định hướng nghề nghiệp, việc làm giúp học sinh, sinh viên, người lao động chọn nghề và tìm kiếm việc làm phù hợp; Thúc đẩy và khuyến khích học sinh, sinh viên tham gia phong trào khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn Thủ đô; Đẩy mạnh gắn kết giữa các cơ sở GDNN với các doanh nghiệp; Hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại; Kết nối cung cầu lao động; Hỗ trợ giải quyết sự thiếu hụt lao động, việc làm giữa các khu vực kinh tế và lĩnh vực sản xuất kinh doanh, dịch vụ", ông Hảo nhấn mạnh.

Về đào tạo nhân lực phục vụ phát triển công nghệ cao thì cần thu hút các cá nhân, doanh nghiệp, bên liên quan tham gia đào tạo nhân lực phục vụ phát triển công nghệ cao như: nhà khoa học giỏi, doanh nghiệp, phát triển đào tạo gắn với nghiên cứu đổi mới sáng tạo trong các cơ sở giáo dục đại học, các nguồn lực tài trợ đào tạo, nghiên cứu; tạo việc làm trong các lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao; thu hút đầu tư nước ngoài phát triển; từ đó, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực.

Tỉnh phấn đấu nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2025 đạt 75%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có chứng chỉ, bằng cấp đạt 60%. Quy mô tuyển sinh của các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 đạt trên 25.000 người; có 03 trường được kiểm định, đánh giá, công nhận đạt tiêu chí của trường chất lượng cao; tối thiểu 30% cơ sở GDNN công lập tự chủ về tài chính,… Qua đó, không chỉ góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội địa phương mà còn hiện thực hóa mục tiêu đưa Hà Nam trở thành tỉnh khá của Vùng Đồng bằng Bắc Bộ”, ông Nguyễn Văn Hảo khẳng định.

Nâng cao chỉ số "đào tạo lao động"

Xác định được tầm quan trọng của công tác cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Thời gian qua, UBND tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp, góp phần tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch. Với nỗ lực của các cấp, các ngành và địa phương, sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, năm 2022, xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của tỉnh đứng thứ 21/63 tỉnh thành, ông Hảo cho biết.

Để tiếp tục cải thiện chỉ số thành phần “Đào tạo lao động” trong xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, Sở LĐ-TB&XH sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp cải thiện chất lượng nguồn lao động góp phần vào mục tiêu tiếp tục nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh trong những năm tiếp theo.

Thời gian tới, tỉnh sẽ đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, tạo sự chuyển biến về nhận thức, đồng thuận của các cấp, ngành và người dân về phát triển GDNN và giải quyết việc làm, nhất là sự đồng hành của doanh nghiệp trong việc phát triển nhân lực có kỹ năng nghề phục vụ phát triển KT-XH của tỉnh. Triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách phát triển GDNN; tăng cường chuyển đổi số và đào tạo trực tuyến; chú trọng đào tạo lại và đào tạo thường xuyên, bảo đảm thích ứng với yêu cầu của thị trường lao động. Bên cạnh đó, gắn kết chặt chẽ 3 “Nhà”: Nhà nước - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp trong các hoạt động GDNN. Đặc biệt, tiếp tục rà soát, tổ chức, sắp xếp lại hệ thống cơ sở GDNN; thúc đẩy phát triển cơ sở có năng lực tự chủ và hoạt động hiệu quả.

Chất lượng GDNN được nâng cao, ngoài ý nghĩa bảo đảm đủ nguồn nhân lực đáp ứng thị trường lao động, còn làm thay đổi năng lực tư duy sản xuất cho lao động trẻ. Qua đó, tạo nên một thế hệ năng động, sáng tạo, có tác phong công nghiệp phù hợp với thời đại 4.0. Đây vừa là mục tiêu, vừa là nhiệm vụ mà Kế hoạch phát triển GDNN đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Hà Nam hướng đến.

Theo Báo Diễn đàn doanh nghiệp

https://diendandoanhnghiep.vn/ha-nam-thu-hut-dau-tu-tu-nguon-lao-dong-chat-luong-cao-248337.html

Chia sẻ ngay:

Bạn cần hỗ trợ?

Đội ngũ chuyên gia của Western Pacific Group luôn sẵn sàng hỗ trợ và đem đến Quý Khách hàng những giải pháp tối ưu! Liên hệ với chúng tôi