Cảng cạn và mục tiêu phát triển tại Việt Nam

8Tháng 12 2023
Chia sẻ ngay:
Cảng cạn là một bộ phận nối dài của cảng biển nằm sâu trong nội địa, góp phần giải quyết tình trạng ùn ứ hàng hóa container tại các cảng biển, và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp sản xuất tập kết hàng hóa, tập kết container xuất nhập khẩu.

Cảng cạn là gì?

Cảng cạn là một bộ phận quan trọng trong hệ thống hạ tầng logistics. Theo định nghĩa của Ủy hội Kinh tế Xã hội châu Á Thái Bình Dương Liên Hiệp Quốc (UNESCAP), ICD (Cảng cạn hay còn gọi là cảng khô) có chức năng như một trung tâm logistics nằm trong nội địa, kết nối một hay nhiều phương thức vận chuyển, lưu trữ và thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu trong thương mại quốc tế.

Bộ Luật Hàng Hải Việt Nam 2015 làm rõ khái niệm cảng cạn tại Việt Nam là một bộ phận thuộc kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, là đầu mối tổ chức vận tải gắn liền với hoạt động của cảng biển, cảng hàng không, cảng đường thủy nội địa, ga đường sắt, cửa khẩu đường bộ, đồng thời có chức năng là cửa khẩu đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu bằng đường biển.

Như vậy, có thể hiểu cảng cạn là một bộ phận nối dài của cảng biển nằm sâu trong nội địa, góp phần giải quyết tình trạng ùn ứ hàng hóa container tại các cảng biển, và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp sản xuất tập kết hàng hóa, tập kết container xuất nhập khẩu.

Mục tiêu phát triển hệ thống cảng cạn Việt Nam đến năm 2030

Vừa qua, Bộ GTVT đã trình lên Thủ tướng Bản Quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030 với các mục tiêu cụ thể như sau:

Đến năm 2025: Phát triển hệ thống cảng cạn trên cả nước có khả năng thông qua 20-30% nhu cầu hàng hóa vận tải container xuất nhập khẩu với tổng công suất 6-8.7 triệu TEU/ năm.

Đến năm 2030: Phát triển hệ thống cảng cạn trên cả nước có khả năng thông qua 25-35% nhu cầu hàng hóa vận tải container xuất nhập khẩu theo các hành lang vận tải. Hình thành các cảng cạn, cụm cảng cạn với tổng công suất đạt 11.6-15.7 triệu TEU/ năm.

Quy hoạch vị trí cảng cạn cũng đã được xem xét đến khả năng kết nối tối ưu với các phương thức vận tải năng lực cao, đặc biệt là đường thủy nội địa và các tuyến đường bộ cao tốc, các tuyến đường sắt hiện có hoặc đã được quy hoạch.

Đối với khu vực phía Bắc: hệ thống cảng cạn được quy hoạch theo xu hướng phân bổ đều tại các địa bàn, hành lang vận tải container do các nguồn phát sinh hàng hóa xuất, nhập khẩu bằng container nằm phân tán ở nhiều địa bàn và đa phần cách xa cảng biển cửa ngõ quốc tế (cảng biển Hải Phòng). Một số cảng cạn tại các cửa khẩu quốc tế với Trung Quốc được quy hoạch để tạo thuận lợi cho vận tải và thương mại qua biên giới (cross border).

Khu vực phía Nam, với đặc thù các khu công nghiệp, khu chế xuất tập trung phần lớn ở các tỉnh vùng Đông Nam Bộ (Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, TP.HCM) cũng

chính là nơi tập trung các cảng biển cửa ngõ quốc tế, có bến cảng container lớn nhất cả nước, khoảng cách từ nguồn hàng đến cảng biển tương đối gần. Do đó, hệ thống cảng cạn khu vực phía Nam được quy hoạch hướng đến vai trò chủ yếu là tận dụng các tuyến vận tải thủy nội địa tại khu vực để chuyển phương thức vận tải hàng hóa đến cảng biển, nhằm giảm, tiến tới hạn chế tối đa vận tải hàng hóa trên đường bộ, giảm ùn tắc.

Nguồn: Tổng hợp bởi Western Pacific Group

Chia sẻ ngay:

Bạn cần hỗ trợ?

Đội ngũ chuyên gia của Western Pacific Group luôn sẵn sàng hỗ trợ và đem đến Quý Khách hàng những giải pháp tối ưu! Liên hệ với chúng tôi