Khởi Động Lại Điện Hạt Nhân: Quyết sách mạnh mẽ của Chính phủ trong việc đảm bảo an ninh năng lượng tại Việt Nam

10Tháng 12 2024
Chia sẻ ngay:
Việc nghiên cứu và triển khai điện hạt nhân tại Việt Nam, đặc biệt là tái khởi động dự án Nhà máy Điện hạt nhân tại Ninh Thuận đang được xem là một trong những bước đi thiết thực của Chính phủ để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế bền vững tại Việt Nam.

 

Sự cấp thiết của điện hạt nhân trong bối cảnh Việt Nam hiện nay

Trong bài phát biểu tại phiên thảo luận Tổ 12, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV, Tổng bí thư Tô Lâm đã nêu ra vấn đề “Vì sao phải có Luật Điện lực (sửa đổi)” và chỉ rõ “Yêu cầu đòi hỏi về hạ tầng năng lượng là một trong những vấn đề dẫn dắt, trụ cột, là một trong những điểm đột phá”. 

Theo các chuyên gia, sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam cùng với sự mở rộng không ngừng của hoạt động sản xuất kinh doanh đã dẫn đến nhu cầu tiêu thụ điện ngày càng gia tăng. Theo tính toán, mỗi 1% tăng trưởng kinh tế kéo theo mức tăng 1,5% trong nhu cầu sử dụng điện. Với mục tiêu tăng trưởng cao trong những năm tới, nhu cầu điện năng tại Việt Nam dự kiến sẽ tăng ít nhất 10% mỗi năm.

Trong bối cảnh này, các nguồn cung điện cơ bản như điện than và điện khí đang gặp thách thức lớn về phát thải khí nhà kính và sự biến động giá cả, trong khi trữ lượng thủy điện đã gần như được khai thác tối đa. Do đó, để đáp ứng nhu cầu điện năng dự kiến tăng gấp đôi vào năm 2030, sự kết hợp giữa các nguồn năng lượng truyền thống, năng lượng tái tạo và điện hạt nhân là một yêu cầu tất yếu.

Điện hạt nhân nổi bật với khả năng cung ứng ổn định, khắc phục tình trạng thiếu điện trong các mùa cao điểm, đảm bảo nguồn năng lượng liên tục cho sản xuất và sinh hoạt. Mặc dù chi phí đầu tư ban đầu cao, nhưng điện hạt nhân có chi phí vận hành thấp, đặc biệt phù hợp với các ngành công nghiệp tiêu thụ năng lượng lớn.

Các dự án năng lượng lớn, bao gồm nhà máy điện hạt nhân, không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu điện ngày càng tăng mà còn là động lực thúc đẩy tốc độ phát triển kinh tế. Đồng thời, các dự án này sẽ tăng sức hút của Việt Nam đối với dòng vốn đầu tư nước ngoài, củng cố vị thế của đất nước trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Việt Nam đã sẵn sàng tái khởi động dự án điện hạt nhân

Với xu hướng chuyển dịch ngành năng lượng tiến tới Net Zero, điện hạt nhân có thể được phát triển với tư cách là nguồn điện nền, đảm bảo ổn định bên cạnh điện gió và điện mặt trời.

Quốc hội đã thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đồng ý tiếp tục chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Đồng thời, Luật Điện lực (sửa đổi) với các chính sách phát triển điện hạt nhân cũng được Quốc hội thông qua, tạo cơ sở pháp lý vững chắc để hiện thực hóa các dự án điện hạt nhân.

Đây là động thái quyết liệt của chính phủ nhằm giải quyết những bất cập trong cung cầu năng lượng, đảm bảo nguồn điện ổn định và bền vững để phục vụ nền kinh tế đang phát triển, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong việc thu hút đầu tư nước ngoài.

Bên cạnh đó, Việt Nam đã tìm đến các đối tác tại các quốc gia phát triển về điện hạt nhân như Nga và Nhật Bản để hội nhập, học hỏi và nhận chuyển giao công nghệ. Nhằm giải quyết các lo ngại về rủi ro trong vận hành, Việt Nam đã lựa chọn các công nghệ hiện đại nhất với tiêu chuẩn an toàn khắt khe. Các lò phản ứng thế hệ 3+ mà Việt Nam hướng tới sử dụng không chỉ đáp ứng các yêu cầu quốc tế mà còn được thiết kế để giảm thiểu tối đa nguy cơ xảy ra sự cố, tăng cường tính ổn định và an toàn khi vận hành.

Nguồn nhân lực là yếu tố then chốt được Chính phủ đặc biệt chú trọng trong lộ trình phát triển điện hạt nhân. Từ khi lần đầu nghiên cứu triển khai dự án điện hạt nhân Ninh Thuận vào năm 2009, Việt Nam đã đặt ra bài toán đào tạo đội ngũ chuyên gia hạt nhân chuyên sâu. Theo Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam, trong 50 năm qua, khoảng 1.000 cán bộ chuyên ngành hạt nhân đã được đào tạo, với gần 400 cán bộ được đào tạo chuyên sâu trong giai đoạn 2005-2020. Những con số này cho thấy sự cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc chuẩn bị lực lượng lao động chất lượng cao, sẵn sàng tiếp nhận công nghệ và vận hành các nhà máy điện hạt nhân.

Chính phủ đã đặt mục tiêu phát triển điện hạt nhân không chỉ như một nguồn cung cấp năng lượng mà còn là động lực thúc đẩy nền kinh tế với việc quy hoạch đồng bộ đảm bảo kết nối giữa các nhà máy điện hạt nhân với hệ thống truyền tải điện quốc gia và các khu công nghiệp trọng điểm cũng như đầu tư vào hạ tầng phụ trợ, đầu tư xây dựng các trung tâm nghiên cứu, cơ sở đào tạo và phòng thí nghiệm hạt nhân, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển công nghệ nội địa.

Với lượng CO₂ chỉ khoảng 6 gram/kWh, điện hạt nhân được xem là một trong những nguồn năng lượng sạch nhất hiện nay, phù hợp với mục tiêu phát thải ròng bằng 0 của Việt Nam. Thực tế, các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc đều đã và đang gia tăng tỉ trọng năng lượng hạt nhân trong cơ cấu điện năng của mình để đối phó với các thách thức tương tự về nguồn năng lượng.

Việc tái triển khai dự án điện hạt nhân sẽ tạo điều kiện để Việt Nam tiến xa hơn trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, khi công nghệ hạt nhân không chỉ dừng lại ở sản xuất điện mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc giúp Việt Nam nâng cao tiềm lực khoa học - công nghệ quốc gia, tham gia vào chuỗi cung ứng công nghiệp điện hạt nhân. Đồng thời, mở ra cơ hội thúc đẩy ngành công nghiệp công nghệ cao, giảm thiểu tác động môi trường và nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong việc thu hút đầu tư trên bản đồ năng lượng toàn cầu. 

Với nền tảng pháp lý vững chắc và định hướng phát triển rõ ràng, ngành điện hạt nhân hứa hẹn sẽ trở thành một phần không thể thiếu trong chiến lược thu hút đầu tư và góp phần vào việc phát triển bền vững tại Việt Nam.

Chia sẻ ngay:

Bạn cần hỗ trợ?

Đội ngũ chuyên gia của Western Pacific Group luôn sẵn sàng hỗ trợ và đem đến Quý Khách hàng những giải pháp tối ưu! Liên hệ với chúng tôi