Đường sắt Việt Nam - Trung Quốc: Thúc đẩy hợp tác kinh tế song phương

11Tháng 2 2025
Chia sẻ ngay:
Trong chiến lược thúc đẩy hợp tác song phương với Trung Quốc, Chính phủ Việt Nam đang đẩy mạnh đầu tư vào các tuyến đường sắt kết nối Việt - Trung nhằm nâng cao năng lực vận tải, mở rộng giao thương và tăng cường hợp tác kinh tế. Với nhu cầu vận tải ngày càng tăng, các tuyến đường sắt liên vận giữa hai quốc gia được kỳ vọng sẽ trở thành đòn bẩy quan trọng giúp doanh nghiệp hai nước tăng cường hợp tác cũng như hội nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Đường sắt Việt Nam - Trung Quốc trở thành dự án hạ tầng giao thông chiến lược

Việt Nam đang bước vào giai đoạn bứt phá hạ tầng với hàng loạt dự án giao thông chiến lược, nhằm tạo động lực phát triển kinh tế và nâng cao vị thế trong chuỗi cung ứng khu vực.

Bên cạnh mạng lưới đường bộ, Chính phủ đang tập trung phát triển hệ thống đường sắt liên vận, với ba tuyến kết nối Việt Nam - Trung Quốc dự kiến khởi công năm 2025, bao gồm: tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, tuyến huyết mạch từ biên giới phía Bắc đến các trung tâm công nghiệp và cảng biển lớn nhất miền Bắc giúp kết nối giao thương với vùng Tây Nam Trung Quốc; tuyến Lạng Sơn - Hà Nội hỗ trợ liên kết với trung tâm công nghiệp miền Nam Trung Quốc; tuyến Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng, tạo thêm hành lang vận tải chiến lược và đẩy nhanh nghiên cứu đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, mở ra kỷ nguyên mới cho ngành vận tải Việt Nam.

Với vị trí tiếp giáp và mối quan hệ hợp tác ngày càng sâu rộng, Việt Nam và Trung Quốc có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển các tuyến đường sắt liên vận nhằm kết nối khu vực và thúc đẩy thương mại giữa hai nước.

Ba tuyến đường sắt kết nối Việt - Trung: Động lực tăng trưởng mới

Trong bối cảnh giao thương khu vực không ngừng mở rộng, nhu cầu vận tải đa phương thức ngày càng gia tăng. Khi các tuyến đường bộ, hàng không và đường biển đều đang chịu áp lực, đường sắt trở thành lựa chọn chiến lược giúp tăng cường giao thương giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Vì lý do lịch sử, khổ đường sắt chính của Việt Nam hẹp hơn khổ đường sắt tiêu chuẩn được sử dụng rộng rãi ở Trung Quốc và quốc tế. Do đó, việc xây dựng ba tuyến đường sắt với khổ tiêu chuẩn sẽ tạo ra sự đồng bộ, giúp gia tăng đáng kể hiệu suất kết nối không chỉ trong nội địa Việt Nam, mà còn giữa hai nước Trung - Việt.

Dễ thấy nhất các tuyến đường sắt Trung - Việt mang lại nhiều lợi thế cho ngành logistics và vận tải. Việc đồng bộ hóa đường sắt giúp giảm thiểu thời gian trung chuyển tại biên giới, tối ưu hóa chi phí vận tải, đặc biệt đối với hàng hóa có giá trị cao và yêu cầu giao hàng nhanh. Các doanh nghiệp logistics có thể mở rộng dịch vụ liên vận, kết nối trực tiếp từ Việt Nam đến Trung Quốc mà không cần trung chuyển nhiều lần, từ đó góp phần thúc đẩy thương mại song phương tăng trưởng nhanh chóng.

Doanh nghiệp sản xuất trong các ngành chế biến, chế tạo thông qua hệ thống đường sắt liên vận sẽ có thêm lựa chọn vận chuyển nguyên vật liệu từ Việt Nam sang Trung Quốc hoặc ngược lại, giúp tối ưu hóa chuỗi cung ứng khi tận dụng đường sắt để vận chuyển hàng hóa một cách ổn định, giảm phụ thuộc vào đường bộ hay đường thủy vốn đang bị quá tải.

Với mạng lưới này, thời gian vận chuyển hàng hóa từ Việt Nam đến các tỉnh thành Trung Quốc sẽ giảm xuống chỉ còn 2-4 ngày, giúp tăng gấp đôi tốc độ luân chuyển hậu cần. Đây không chỉ là lợi thế cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu mà còn mở ra cánh cửa kết nối Việt Nam với các thị trường Trung Á, Nam Á, Trung Đông và châu Âu, thông qua hệ thống đường sắt liên vận Á - Âu.

Hạ tầng giao thông phát triển đến đâu, kinh tế mở rộng đến đó. Hệ thống đường sắt hiện đại không chỉ thúc đẩy thương mại mà còn kéo theo sự hình thành các khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ và du lịch, tạo ra sự phát triển đồng bộ giữa các vùng kinh tế tại Việt Nam.

Trên thực tế, hợp tác kinh tế - thương mại và đầu tư giữa Việt Nam - Trung Quốc đang tăng trưởng mạnh mẽ. Việc xây dựng ba tuyến đường sắt mới không chỉ giúp doanh nghiệp hai nước tận dụng tối đa tiềm năng giao thương, mà còn tạo lợi thế cạnh tranh trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu đang dịch chuyển mạnh mẽ.

Sự kiện khởi công các tuyến đường sắt Việt Nam - Trung Quốc trong thời gian tới sẽ đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa hai quốc gia, đồng thời đưa Việt Nam trở thành trung tâm logistics chiến lược của khu vực Đông Nam Á, gia tăng sức hút đầu tư trong khu vực.

Chia sẻ ngay:

Bạn cần hỗ trợ?

Đội ngũ chuyên gia của Western Pacific Group luôn sẵn sàng hỗ trợ và đem đến Quý Khách hàng những giải pháp tối ưu! Liên hệ với chúng tôi